M21 - KHÓA HỌC NỘI DUNG THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI BẠN

Bảo mật Facebook

5 lỗi khiến bạn có thể bị mất tài khoản Facebook dễ dàng

Rất nhiều người đã từng bị mất quyền kiểm soát tài khoản Facebook của chính mình, làm ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ trên mạng xã hội chỉ bởi những thói quen hoặc những lỗi vô cùng đơn giản mà không ai ngờ tới. Ngoài những lỗ hổng bảo mật, những lỗi vận hành của mạng xã hội lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại này, thì sự không cẩn thận của chính người dùng cũng sẽ dễ dàng “giúp” họ mất tài khoản Facebook.

Dưới đây là 5 lỗi thường xuyên và nhiều người hay mắc phải nhất khi sử dụng tài khoản Facebook. Hãy đọc, ghi nhớ và nhắc nhở người thân để hạn chế gặp phải những phiền toái bị ảnh hưởng bởi việc mất tài khoản Facebook nhé.

#1 – Sử dụng mạng WIFI ở nơi công cộng có độ bảo mật kém.

Mạng wifi dần trở thành một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Đối với nhiều người, việc ngồi ở quán cafe hoặc sử dụng một mạng wifi công cộng miễn phí để làm việc, giải trí trực tuyến đã trở thành một thói quen. Tuy nhiên, nếu bạn đang có thói quen đó thì hãy thay đổi ngay, bởi nó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khiến bạn bị hack thông tin, dữ liệu. Các thông tin được truyền đi bởi thiết bị di động (máy tính, điện thoại…) của bạn có thể bị gửi đến một nơi mà bạn không hề biết, ví dụ như một kho dữ liệu của hacker (người hack tài khoản của bạn). Các hacker sẽ tạo ra những mạng wifi miễn phí, thả lưới và chờ bạn và nhiều “con cá” khác chui vào lưới đó. Các mạng Wifi mà hacker tạo ra thường mang những cái tên có vẻ ngon ăn như “Wifi Mien phi”, “Wifi Free” hoặc kiểu như thế, không có mật khẩu để dễ dàng nhiều người kết nối. Khi bạn hoặc ai đó kết nối vào mạng wifi được tạo ra này, thì vẫn có thể truy cập được internet như bình thường, nhưng hacker sẽ đón được những thông tin mà bạn gửi đi và nhận về, trong đó có thể còn có những thông tin quan trọng như tên truy cập, mật khẩu… của bạn.

Tại những nơi ít công cộng hơn như quán cafe, nhà hàng, quán ăn… thì mức độ an toàn có thể cao hơn một chút. Bạn cần có tên truy cập, mật khẩu của mạng wifi để kết nối được vào mạng internet, tuy nhiên, hacker vẫn có thể tấn công vào thiết bị mạng của nhà hàng đó và chiếm quyền kiểm soát hoạt động của các thiết bị truy cập vào wifi đó. Việc truy cập vào internet thông qua wifi ở nhà hàng, quán ăn, quán cafe được đánh giá là kém an toàn.

Hacker có thể chiếm quyền tài khoản của bạn bằng Wifi

Lời khuyên cho bạn

  1. Hạn chế sử dụng mạng wifi tại nơi công cộng. Không dùng wifi là tốt nhất.

    Việc không sử dụng wifi có thể gây tốn kém một chút cho bạn, tuy nhiên, đây là cách được đánh giá là an toàn. Bạn có thể sử dụng mạng 3G/4G từ điện thoại của bạn phát ra, hoặc sử dụng bộ phát wifi tiện dụng mỗi khi cần sử dụng mạng internet. Điều này giúp tài khoản của bạn có độ tin cậy cao (độ trust) trong lịch sử sử dụng trên các mạng xã hội, hạn chế việc bị tấn công thông qua wifi và có tốc độ cao hơn khi sử dụng mạng wifi công cộng.

  2. Thường xuyên kiểm tra lịch sử truy cập Facebook.

    Bạn nên giữ thói quen kiểm tra xem tài khoản Facebook của bạn truy cập ở đâu, trên thiết bị nào trước đó. Điều này không hoàn toàn chính xác do định vị, thiết bị có thể sai, nhưng nó cũng giúp bạn có những nghi ngờ cần thiết. Nếu bạn phát hiện vấn đề, “thấy có điều gì đó sai sai” thì cần thực hiện một số hành động để bảo vệ tài khoản của bạn ngay. Chi tiết về việc bảo mật này, mời bạn ĐỌC TẠI ĐÂY.

#2 – Lỗi về đặt mật khẩu

Đây là lỗi mà nhiều người mắc phải nhất, xuất phát từ việc “cẩu thả” của họ khi đặt mật khẩu quá dễ đoán và bị mất tài khoản.

Hacker trong những trường hợp này thường sử dụng những phương pháp để dò mật khẩu và chiếm quyền kiểm soát tài khoản của bạn. Có thể hacker là người lạ ở một đất nước nào đó cách bạn cả nửa vòng trái đất, nhưng cũng có thể là những người vô cùng thân thiết, biết được những thông tin cá nhân và thói quen của bạn.

Rất nhiều người có thói quen đặt mật khẩu là những chuỗi chữ số liền nhau (VD: 12345678), chuỗi ký tự liền nhau trên bàn phím (VD: qwertyuiop hoặc asdfghjkl), hoặc ngày tháng năm sinh, hoặc họ tên vợ chồng, hoặc ngày kỷ niệm… Tất cả những mật khẩu dạng này đều rất dễ bị dò ra. Nếu bạn đang sử dụng những dạng này cho bất kỳ tài khoản nào trên internet thì cần phải thực hiện đặt lại mật khẩu ngay, và đừng bao giờ mắc lại lỗi lầm chết người đó nữa nhé.

TOP 10 mật khẩu kém an toàn nhất trên thế giới (số liệu năm 2017)

ĐẶT MẬT KHẨU NHƯ THẾ NÀO CHO AN TOÀN?

Trước tiên, một mật khẩu an toàn là một mật khẩu có độ dài phù hợp, có bao gồm đủ các loại ký tự, dễ đoán và dễ nhớ với bạn nhưng lại vô cùng khó đoán và khó nhớ đối với người khác. Rồi, bạn hãy đặt một mật khẩu an toàn và đảm bảo có đủ những điều sau:

  1. Đặt mật khẩu có độ dài ký tự lớn (mật khẩu dài): Độ dài của bất kỳ mật khẩu nào cũng nên nhiều hơn 10 ký tự, chuỗi ký tự mật khẩu càng dài thì sẽ có độ an toàn cao hơn dạng mật khẩu cùng loại nhưng có số ký tự ít hơn, các công cụ quét mật khẩu tự động cũng sẽ khó dò ra mật khẩu dài hơn là mật khẩu ngắn.
  2. Đặt mật khẩu có độ phức tạp cao : Mật khẩu của bạn nên đặt có đầy đủ ít nhất 4 loại ký tự: chữ viết thường, chữ viết hoa, số, ký tự đặc biệt.Có thể việc này gây phiền toái cho bạn trong việc nhớ chúng, nhưng nó thực sự tốt cho bạn. Bạn hãy tạo ra những quy tắc đặt mật khẩu mà chỉ bạn biết để đơn giản hóa việc này nhé. Bạn cũng có thể tham khảo bài viết về “Mẹo đặt và quản lý mật khẩu an toàn” để tự sáng tạo ra những cách của riêng bạn.
  3. Hạn chế việc đặt mật khẩu liên quan đến cá nhân bạn: Bạn không nên đặt mật khẩu có chứa toàn bộ hoặc phần lớn số lượng ký tự là những nội dung liên quan đến ngày sinh, họ tên bạn hoặc vợ/chồng/con/bố/mẹ… bạn, số điện thoại, ngày kỷ niệm… Thay vào đó, bạn có thể chọn những thông tin khác để đưa vào thành phần mật khẩu của bạn, ví dụ như một câu thơ bạn thích, hoặc viết tắt một đoạn nhạc bạn thích. Tôi thích câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” thì tôi có thể đưa chuỗi ký tự viết tắt của câu hát này là “stdsccmtl” vào làm một phần trong mật khẩu của tôi. Bạn có thể tùy chọn và sáng tạo theo cách của bạn, nhưng lưu ý, đừng sáng tạo quá mà có thể chính bạn sẽ không nhớ được mật khẩu mà bạn đã đặt đâu.
  4. Thay đổi mật khẩu thường xuyên: Bạn nên có một chu kỳ thay đổi mật khẩu tài khoản, các mạng xã hội khuyên bạn nên là từ 3 đến 6 tháng, nhưng theo tôi thì càng thường xuyên càng tốt. Tôi thay đổi mật khẩu 2 tuần/lần, như một thói quen. Và khi thay đổi mật khẩu, bạn hãy chú ý đăng xuất khỏi tất cả các thiết bị đã đăng nhập trước đó nhé.

Bạn có thể tham khảo BÀI VIẾT NÀY để biết cách thiết lập mật khẩu an toàn cho tài khoản của bạn nhé.

#3 – Lỗi tò mò

Lỗi này cũng có rất nhiều người gặp phải, thường gặp nhất ở những người có kiến thức về công nghệ thông tin không cao, hoặc có kiến thức về công nghệ thông tin nhưng vẫn tò mò, thích những tin tức mang tính giật gân.

Hacker tạo ra những trang tin tức giả mạo, đưa tin hoặc mang các tiêu đề giật gân, đúng với các xu hướng của xã hội để nhằm mục đích thu hút bạn truy cập vào các trang đó. Khi bạn truy cập vào, có thể bạn sẽ bị yêu cầu nhập tên đăng nhập, mật khẩu vào một trang có giao diện giống với Facebook (hoặc khung đăng nhập của Facebook). Nếu bạn nhập vào, thì những thông tin đó sẽ được gửi thẳng đến cho hacker và chia buồn với bạn, bạn sẽ bị mất tài khoản nếu bạn không kịp thời đổi mật khẩu trước khi hacker truy cập được vào tài khoản của bạn.

Cách này cũng thường xuyên được hacker sử dụng để gửi qua email, nên bạn cần hết sức lưu ý khi nhận được những đường dẫn, hoặc tập tin không rõ nguồn gốc trong email của bạn nhé.

Ngoài ra, nhiều người còn bị chiếm quyền hoặc bị lợi dụng tài khoản khi sử dụng các ứng dụng, trò chơi, trắc nghiệm… trên Facebook dạng như “Năm 70 tuổi trông bạn thế nào”, “Tài sản của bạn 10 năm tới ra sao” v…v… Những ứng dụng này thường yêu cầu người chơi phải cấp quyền bằng chính tài khoản Facebook của họ thì mới chơi được, nhiều người không để ý điều này, vô tình cấp quyền cho ứng dụng đó và bị chiếm quyền hoặc lợi dụng vào nhiều việc mà họ không hề biết.

Những trò chơi như thế này rất dễ khiến tài khoản của bạn bị chiếm quyền

LỜI KHUYÊN CHO BẠN

  1. Không tò mò nhấn vào những bài báo hoặc tin tức mà bạn thấy trên Facebook hoặc bất kỳ đâu trên internet, đặc biệt là những bài viết có tiêu đề mang tính giật gân, thu hút.
  2. Tuyệt đối không nhập tài khoản, mật khẩu vào những trang có giao diện đăng nhập giống với Facebook hoặc các mạng xã hội khác.
  3. Tuyệt đối không mở những đường dẫn được gửi qua tin nhắn, email từ bất kỳ ai kể cả là những người thân thiết. Nếu chưa biết mục đích của họ gửi cho bạn, hãy xác minh bằng cách hỏi trực tiếp họ về nội dung tin nhắn hoặc email đó. Chỉ được mở khi bạn đã rõ mục đích và biết chắc nó an toàn.
  4. Không cấp quyền truy cập các ứng dụng mà bạn không tin tưởng.
  5. Đọc bài hướng dẫn chi tiết về việc kiểm soát quyền truy cập ứng dụng trên Facebook TẠI ĐÂY.

#4 – Lỗi chủ quan

Có thể bạn cho rằng tài khoản của bạn có gì đâu mà bị hack, hoặc có bị hack cũng chẳng sao nên có phần chủ quan và thờ ơ trong việc thực hiện bảo mật tài khoản Facebook của mình. Tuy nhiên, bạn cần biết trong thời đại này, tài khoản trên mạng xã hội của bạn cũng gần giống như chính bạn ngoài đời vậy. Việc tài khoản của bạn bị sử dụng bởi người khác sẽ gây ra nhiều phiền toái, ví dụ như bị lợi dụng uy tín để vay tiền, hoặc gây ra những tranh cãi ảnh hưởng đến bạn trong cuộc sống mà không phải bạn gây ra….Vậy nên, bạn cần phải chú ý đến việc bảo mật tài khoản Facebook của bạn, đừng chủ quan.

BẠN CẦN LÀM GÌ?

  1. Thực hiện cài đặt bảo mật 2 lớp (hay còn được gọi là xác thực hai yếu tố) cho tài khoản Facebook và email của bạn. Đọc hướng dẫn chi tiết TẠI ĐÂY
  2. Luôn đảm bảo tài khoản Facebook của bạn được liên kết thành công với số điện thoại và email mà bạn đang sử dụng bình thường.
  3. Cài đặt các thông báo khi phát hiện truy cập lạ cho tài khoản Facebook của bạn.
  4. Thực hiện bảo mật thiết bị mà bạn đang sử dụng và đăng nhập tài khoản Facebook: Cài mật khẩu cho điện thoại, mật khẩu cho máy tính; Có thói quen khóa máy tính (lock-off) khi rời khỏi máy tính; Không chia sẻ mật khẩu thiết bị cá nhân cho người khác.
  5. Với những bạn đang nắm quyền quản trị hội nhóm (group) hoặc trang fanpage trên Facebook thì cần nhắc nhở tất cả các quản trị viên khác phải thực hiện bảo mật.
  6. Sử dụng email có độ bảo mật cao (tốt nhất là gmail hoặc email doanh nghiệp của bạn) để liên kết với tài khoản facebook. Không dùng các dịch vụ khác như mail yahoo, hotmail hoặc các mail không có độ uy tín để liên kết. Bạn cũng cần kiểm tra và thực hiện bảo mật email, luôn đảm bảo bạn và chỉ mình bạn có thể truy cập được email đó tại mọi thời điểm. Nếu bạn dùng email doanh nghiệp hoặc email tên miền riêng thì phải đảm bảo được bạn cũng luôn vào được email đó (nếu không còn sử dụng được, hãy thay bằng email khác)

5 – Lỗi tin người

Lỗi này thường xảy ra trong các trường hợp:

  • Bạn chia sẻ thông tin đăng nhập, tài khoản cho người quen mà bạn nghĩ là tin tưởng được họ.
  • Bạn chia sẻ thông tin đăng nhập, tài khoản cho người mà bạn thuê để làm một dịch vụ nào đó trên Facebook (VD làm tích xanh, làm bảo mật facebook, lấy lại tài khoản khi bị xác minh danh tính…)

Bạn chia sẻ thông tin đăng nhập cho người khác, ngay lập tức hoặc một thời gian sau đó bạn bị mất tài khoản mà không biết tại sao. Khi người khác có thông tin đăng nhập chính xác của bạn, thì họ hoàn toàn có thể vào để thay đổi các cài đặt bảo mật mà bạn đã thiết lập trước đó, hoặc cài thêm tài khoản khác làm quản trị fanpage/group mà bạn đang có quyền quản trị và chiếm quyền quản trị của bạn…

Để không xảy ra điều này, bạn chỉ cần KHÔNG TIN NGƯỜI, không chia sẻ thông tin đăng nhập của bạn cho bất kỳ ai khác kể cả là những người bạn thực sự tin tưởng trong cuộc sống . Trong trường hợp bắt buộc phải cung cấp thông tin đăng nhập cho người khác, bạn cần thực hiện những điều sau:

  1. Thực hiện trực tiếp: Tức là bạn cần ngồi bên cạnh người đó, nhập thông tin đăng nhập để họ thực hiện công việc, kiểm soát trong suốt quá trình họ thực hiện công việc đến khi hoàn tất và đăng xuất khi công việc được thực hiện xong.
  2. Không gửi thông tin đăng nhập của bạn qua tin nhắn, email hoặc các hình thức dạng văn bản cho bất kỳ ai vì có thể bị lộ thông tin.
  3. Thực hiện kiểm tra lại toàn bộ các yếu tố bảo mật tài khoản của bạn ngay sau khi kết thúc việc cho người khác sử dụng tài khoản của bạn.

Trên đây là 5 lỗi cơ bản nhất khiến bạn có thể bị mất tài khoản Facebook. Hãy chú ý và đừng mắc phải những lỗi này, để luôn Sống Online một cách khỏe mạnh bạn nhé.

Bài viết liên quan
Bảo mật Facebook

Kiểm tra chất lượng tài khoản

Bảo mật Facebook

Kiểm tra lịch sử đăng nhập Facebook của bạn và đăng xuất từ xa

Bảo mật Facebook

Cách gỡ các ứng dụng, trò chơi và trang web mà bạn đã cấp quyền trên tài khoản Facebook của bạn

Bảo mật Facebook

Cài đặt và sử dụng ứng dụng Google Authenticator - Nhận mã xác thực 2 lớp